Khi con bạn có vốn từ vựng hạn chế so với lứa tuổi bình thường của chúng, đây có thể là một dấu hiệu của trẻ chậm nói. Ngày này, mức độ phổ biến của tình trạng này đang có xu hướng tăng lên nhiều hơn. Vì vậy, việc nắm vững những kiến thức liên quan đến vấn đề trẻ chậm nói sẽ giúp bạn phát hiện và cải thiện được tình trạng này kịp thời.
Trẻ chậm nói và nguyên nhân
Hiệp hội Nghe nói – Ngôn ngữ Hoa Kỳ (ASHA) cho biết, trẻ được xác định là chậm nói khi từ 18 – 30 tháng tuổi phát triển bình thường nhưng vốn từ vựng của trẻ bị hạn chế so với những bạn cùng trang lứa khác. Đối với nhiều bậc phụ huynh, việc trẻ chậm nói thường không được chú ý quan sát và phát hiện kịp thời.
Nguyên nhân trẻ bị chậm nói hiện vẫn chưa có thông tin chính xác. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân gây ra chậm nói có liên quan đến sự phát triển thần kinh ở trẻ. Có nghĩa rằng những kết nối thần kinh liên quan đến khả năng ngôn ngữ bị ảnh hưởng, kém phát triển hơn bình thường.
Sẽ có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bé chậm nói, cụ thể như:
- Trẻ bị chậm phát triển thể chất: Bại não, hội chứng Down, tự kỷ,…
- Tiền sử gia đình có người mắc chứng chậm phát triển ngôn ngữ.
- Trẻ có tiền sử bị nhiễm trùng tai.
- Bé nam được sinh ra có trọng lượng dưới 85% so với trọng lượng sơ sinh tối ưu hoặc sinh non dưới 37 tuần tuổi.
- Các vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý như thường xuyên bị quát mắng, vấn đề xuất phát từ gia đình,...
Chậm nói thường được xác định khi trẻ từ 18 - 30 tháng tuổi
Dấu hiệu trẻ chậm nói như thế nào?
Với mỗi lứa tuổi, trẻ em sẽ có mức độ phát triển về mặt ngôn ngữ cụ thể. Tuy vậy, trẻ chậm nói sẽ có tốc độ phát triển ngôn ngữ chậm hơn so với bình thường. Những biểu hiện của bé chậm nói thường bị bố mẹ bỏ qua và đến khi phát hiện để can thiệp y tế đã quá muộn. Vì vậy, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý về những dấu hiệu cần thận trọng và cảnh báo “đỏ” ngay sau đây:
Dấu hiệu trẻ chậm nói cần thận trọng
Để phát hiện dấu hiệu trẻ chậm nói hay không, bạn cần lưu ý quan sát, ghi lại nhật ký các mốc phát triển và phản ứng theo từng mốc của trẻ. Cụ thể sẽ gặp những dấu hiệu như sau:
3 – 4 tháng tuổi: Trẻ không phản ứng lại với các tiếng động lớn, không phát ra âm thanh gầm gừ, hoặc có thể phát ra nhưng khi 4 tháng tuổi không bắt chước được các âm thanh khác.
7 tháng tuổi: Không có sự phản hồi lại với các âm thanh xung quanh.
12 tháng tuổi: Trẻ không sử dụng âm thanh, lời nói, cử chỉ hoặc tìm cách để giao tiếp với người khác kể cả khi cần giúp đỡ. Trẻ không nói được bất kỳ một từ nào, không bi bô, không phát ra phụ âm. Không phản ứng khi được gọi tên, không thực hiện được những động tác đơn giản (vẫy tay, lắc đầu, chỉ đồ vật,..). Không hiểu, không phản ứng với các từ đơn giản như “chào”, “không”,… Không quan tâm đến các vấn đề, thế giới xung quanh.
16 tháng tuổi: Không hiểu, không phản ứng được với những từ ngữ đơn giản tương tự như 12 tháng tuổi. Không nói được bất kỳ từ, câu nào. Không thể chỉ vào đồ vật khi được hỏi hoặc đồ vật mà mình thích.
18 tháng tuổi: Không chỉ được vào các bộ phận của cơ thể khi được hỏi. Không thể nói rõ ràng được từ 5 – 10 cụm từ trở lên. Không thể/không muốn giao tiếp với bất kỳ hình thức nào, ngay cả khi cần giúp đỡ. Không hiểu được các mệnh lệnh đơn giản.
Trẻ chậm nói thường không hiểu được mệnh lệnh đơn giản khi 18 tháng tuổi
19 – 23 tháng tuổi: Vốn từ ngữ tăng chậm, không thể đạt được 1 từ ngữ/tuần.
24 tháng tuổi: Trẻ chưa thể nói được tổng cộng 15 từ trở lên. Không nói ra được lời mà chỉ lặp lại lời người khác nói. Không thể hiện được cuộc hội thoại ngắn với 2 từ như “Uống sữa” “Ăn thêm”,… Không muốn sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp. Không hiểu về các chỉ dẫn/những câu hỏi dài. Không bắt chước được hành động, lời nói của người khác. Không thể tự chơi một mình. Không nối được 2 từ lại với nhau.
25 – 35 tháng tuổi: Không nói được câu đơn giản từ 2 – 4 từ. Không gọi tên được vài bộ phận của cơ thể. Không nhớ được những vấn đề được lặp lại nhiều lần. Không ai hiểu được ý bé muốn nói gì. Không thể tự đặt được những câu hỏi đơn giản như “Mẹ ở đâu”, “Bố làm gì”,…
Trẻ 3 tuổi: Không thể sử dụng được đại từ nhân xưng như mẹ, bố,… Không ghép được từ thành câu đơn giản ngắn gọn. Không hiểu được chỉ dẫn, câu hỏi ngắn. Lời nói không rõ ràng, thường xuyên lắp bắp, khó phát ra âm thanh. Không đặt được câu hỏi, ít quan tâm đến sách truyện, không quan tâm, tương tác với trẻ khác. Trẻ khó tách khỏi bố mẹ.
Trẻ 4 tuổi: Chưa phân biệt được khái niệm về sự giống nhau, khác nhau. Chưa phát âm được thành thục các phụ âm. Không sử dụng đại từ nhân xưng đúng cách.
Cảnh báo “đỏ” cần can thiệp y tế
Trong những mốc được nhắc đến ở trên, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, bạn cần đặc biệt lưu ý các mốc quan trọng trong 5 năm đầu tiên. Bao gồm 24 tháng tuổi, 36 tháng tuổi, cuối năm 4 tuổi sẽ cần phải can thiệp y tế càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, ở những mốc tuổi khác, bạn cần lưu ý, nếu trẻ có 5 dấu hiệu “đỏ” sau, bạn cần cho bé đi kiểm tra và can thiệp bằng các biện pháp y tế ngay:
- Trẻ không thể bập bẹ ở 12 tháng tuổi.
- Trẻ không ra hiệu bằng tay được khi 12 tháng tuổi.
- Đến 16 tháng tuổi trẻ không nói được từ đơn.
- Đến 24 tháng tuổi không thể nói được câu 2 từ.
- Mất khả năng ngôn ngữ, giao tiếp ở bất kỳ độ tuổi nào.
Bố mẹ cần phát hiện các cảnh báo “đỏ” khi trẻ bị chậm nói càng sớm càng tốt
Trẻ chậm nói có ảnh hưởng gì không?
Theo kết quả nghiên cứu từ ASHA về ở lứa tuổi cuối mẫu giáo và tuổi đi học cho thấy, có đến 50 – 70% trẻ chậm nói có thể bắt kịp và phát triển ngôn ngữ bình thường. Tuy vậy, báo cáo này cũng cho thấy một số trường hợp trẻ chậm nói có thể gặp khó khăn về ngôn ngữ, khả năng đọc viết trong tương lai.
Cụ thể theo nghiên cứu này, những ảnh hưởng trong tương lai khi trẻ bị chậm nói như sau:
- Khi lên 5 tuổi, một số trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ có điểm số thấp hơn về môn học liên quan đến khía cạnh này, ví dụ như ngữ văn,…
- Khi lên 7 tuổi, trẻ bị giảm hiệu suất, khả năng sử dụng ngôn ngữ, ngữ pháp nói chung.
- Từ 8 – 9 tuổi, trẻ bị kém hơn về khả năng đọc, viết đúng chính tả.
- Ở 13 tuổi, ghi nhận được trường hợp trẻ chậm nói gây ảnh hưởng đến khả năng học tập nói chung về từ vựng, ngữ pháp, trí nhớ, lời nói, khả năng đọc hiểu,…
- Ở 17 tuổi: Điểm số của trẻ bị kém hơn bạn cùng tuổi nếu liên quan đến yếu tố từ vựng, trí nhớ, ngữ pháp, khả năng diễn đạt lời nói.
Trẻ chậm nói phải làm sao?
Khi bạn nhận thấy trẻ có các dấu hiệu bị chậm nói, không nên tự tìm các phương pháp cải thiện tại nhà. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để thực hiện các bài kiểm tra cần thiết.
Thông qua những bài kiểm tra đó, bác sĩ sẽ lựa chọn những biện pháp phù hợp để giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ, giao tiếp của trẻ. Ví dụ các liệu pháp ngôn ngữ, huấn luyện tâm lý cho bố mẹ,…
Bạn cần cho bé có dấu hiệu chậm nói kiểm tra y tế ngay khi có thể
Bên cạnh thực hiện theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Hãy thường xuyên nói chuyện với trẻ, bạn có thể sử dụng những loại câu ngắn và với thái độ thân thiện, yêu thương, điều này sẽ giúp trẻ cải thiện được khả năng nghe và thu nhận ngôn ngữ.
- Không nên bắt chước, nhại lại khi trẻ phát âm không đúng, nói ngọng,… Điều này có thể khiến trẻ bị nói sai theo cách nói của bạn, lâu dài khó có thể sửa đổi thói quen này.
- Luôn trả lời khi trẻ hỏi, ngay cả khi trẻ giao tiếp bằng cử chỉ, điệu bộ cơ thể,…
- Bạn không nên bắt ép trẻ phải nói quá nhiều khi trẻ không muốn. Hãy động viên, khen ngợi khi trẻ phát âm đúng hoặc nói một từ nào đó.
- Cải thiện chế độ hàng ngày của bé bằng cách bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin, nguyên tố vi lượng để giúp cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho não bộ.
- Dành nhiều thời gian hơn quan tâm đến trẻ.
Bố mẹ cũng có thể cho bé sử dụng thêm một số thảo dược thiên nhiên để hỗ trợ tăng phản xạ của thần kinh tốt hơn, trong đó có dây thần kinh liên quan đến khả năng ngôn ngữ. Ví dụ như thăng ma, ginkgo biloba (bạch quả), đinh lăng,…
Trong đó, ginkgo biloba là một trong những dược liệu đã được nghiên cứu bởi tác giả Fereshteh Shakibaei cùng với cộng sự của mình năm 2015. Theo nghiên cứu đó, ginkgo biloba cho thấy khả năng giúp tăng cường được lưu lượng máu lên não. Điều này gián tiếp tác động lên chức năng của hệ thống thần kinh tại đây, trong đó có dây thần kinh phát triển ngôn ngữ.
Ginkgo biloba hỗ trợ cải thiện lưu thông máu đến dây thần kinh phát triển ngôn ngữ
Đinh lăng cũng là một trong những loại thảo dược hỗ trợ cải thiện biên độ điện thế của não bộ, từ đó giúp các tế bào thần kinh nói chung và liên quan đến phát triển ngôn ngữ nói riêng có thể tiếp nhận tín hiệu, thông tin tốt hơn.
Ngoài ra, đinh lăng cũng sẽ hỗ trợ cho trẻ cải thiện được khả năng tập trung, phản xạ. Tác dụng của cây đinh lăng đã được GS. Ngô Ứng Long nghiên cứu tại Học viện Quân Y cùng cộng sự của mình.
Hầu hết các trường hợp trẻ chậm nói có thể bắt kịp được sự phát triển bình thường nếu được can thiệp và hướng dẫn phù hợp. Vì vậy, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý quan sát để có thể nhận thấy được sự bất thường càng sớm càng tốt.
Trên đây là bài viết mang tính chất tham khảo về tình trạng trẻ chậm nói. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, bạn có thể đặt câu hỏi tại phần bình luận bài viết để được hỗ trợ giải đáp chi tiết hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://brooklynletters.com/everything-you-need-to-know-about-late-talker-child/
https://www.asha.org/public/speech/development/chart/
https://www.medicinenet.com/at_what_age_do_late_talkers_talk/article.htm