Dị ứng là tình trạng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các chất lạ (chất gây dị ứng), chẳng hạn như phấn hoa hoặc một số loại thực phẩm… Những chất này thường vô hại ở hầu hết mọi người. Tuy nhiên ở một số người có cơ địa nhạy cảm sẽ xuất hiện ra các triệu chứng dị ứng, gây phiền toái và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

Phản ứng dị ứng là gì? Nguyên nhân dị ứng

Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mẫn với các tác nhân gây bệnh. Các tác nhân dị ứng thường gặp gồm có:

  • Thực phẩm như các loại hải sản, hạt như đậu phộng, óc chó,... trứng, sữa,...
  • Thời tiết.
  • Phấn hoa.
  • Lông động vật.
  • Thuốc, phổ biến là các loại kháng sinh, thuốc giảm đau,...

Ở một số người khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng lần đầu, hệ thống miễn dịch của họ coi đây là những tác nhân gây hại và tạo ra kháng thể, nhiều nhất là kháng thể immunoglobulin E (IgE) để chống lại chúng. Những kháng thể này được tạo ra khi cơ thể lần đầu tiên tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng và sau đó chúng gắn vào một số loại tế bào. Nếu cơ thể tiếp xúc lại với chất gây dị ứng, các tế bào này sẽ giải phóng các chất hóa học, trong đó có histamin, gây ra các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, ho và phát ban trên da…

Nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng có thể do thời tiết, phấn hoa….jpg

Nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng có thể do thời tiết, phấn hoa… 

Phân loại tình trạng dị ứng thường gặp

Thực tế, có rất nhiều loại dị ứng khác nhau, một số xảy ra theo mùa, số khác có thể xảy ra quanh năm hoặc thậm chí là suốt đời. Các loại dị ứng thường gặp là:

Dị ứng thời tiết

Đây là một tình trạng rất phổ biến hiện nay, gây ra những phiền toái và ảnh hưởng đến sức khỏe của những người mắc phải. Cơ thể người bình thường thích nghi tốt nhất ở nhiệt độ trong khoảng từ 20 đến 30 độ C. Khi thay đổi nhiệt độ, trung tâm điều nhiệt nằm ở vùng dưới đồi sẽ có nhiệm vụ giúp cơ thể dần thích nghi với nhiệt độ đó. Tuy nhiên, khi thời tiết quá nóng hay quá lạnh, trung tâm chưa kịp điều chỉnh hoạt động do đó gây ra rối loạn bên trong cơ thể. Dị ứng thời tiết có thể được chia ra làm hai loại: Dị ứng thời tiết nóng và Dị ứng thời tiết lạnh.

  • Dị ứng thời tiết nóng: Vào những ngày nắng nóng của mùa hè, cơ thể sẽ tiết ra rất nhiều mồ hôi để hạ nhiệt, làm cho làn da luôn ở trong tình trạng ẩm ướt, dễ dẫn tới viêm nhiễm và mất nước. Điều này làm cho các phản ứng dị ứng diễn ra trầm trọng hơn.
  • Dị ứng thời tiết lạnh: Vào mùa đông, thời tiết hanh khô làm làm da trở nên thô ráp, khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C hoặc những ngày mưa đều là yếu tố thúc đẩy xuất hiện dị ứng thời tiết.

Ngoài ra, sự thay đổi thời tiết có thể khiến phát triển phấn hoa, bụi mạt, vi khuẩn, nấm mốc… Nhiều trường hợp dị ứng thời tiết là do những yếu tố này tăng trưởng trong không khí, từ đó kích thích phản ứng miễn dịch.

Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm (dị ứng thức ăn) có biểu hiện sớm và thường xảy ra ngay sau khi ăn thực phẩm mà bạn dị ứng, cho dù chỉ là một lượng nhỏ. Theo các nghiên cứu, dị ứng thực phẩm gây ảnh hưởng khoảng 6% đến 8% trẻ em dưới 3 tuổi và 3% đối với người lớn. 

Ở người lớn, một số loại thực phẩm dễ có nguy cơ gây ra dị ứng như động vật có vỏ (tôm, cua, ghẹ), các loại cá, hạt óc chó,… Còn ở trẻ em, một số protein trong sữa, trứng, các loại hạt… đều có thể là yếu tố thúc đẩy dị ứng. 

Các triệu chứng của dị ứng thực phẩm rất dễ nhầm lẫn với tình trạng ngộ độc thực phẩm và  không dung nạp thực phẩm. Dị ứng thực phẩm  làm xuất hiện các dấu hiệu trên hệ tiêu hóa nghiêm trọng hơn so với các loại dị ứng khác gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy.- Đồng thời là các biểu hiện trên da và hô hấp, xuất hiện tình trạng nổi mề đay, phát ban, sưng họng, ho,.. Trong một số trường hợp dị ứng nặng, có thể đe dọa đến tính mạng do gây ra sốc phản vệ.

Dị ứng thuốc

Theo nghiên cứu cập nhật năm 2014 của Tổ chức dị ứng thế giới (World Allergy Organization – WAO), dị ứng thuốc chiếm gần 10% trong các báo cáo phản ứng có hại của thuốc.. Nhưng trên thực tế, vẫn chưa có dữ liệu khảo sát về tỷ lệ của dị ứng thuốc trong cộng đồng, bao gồm cả ở trẻ em và người lớn. 

Dị ứng thuốc là các phản ứng xảy ra quá mức, bất thường và gây hại cho người bệnh khi dùng hay tiếp xúc với thuốc. Mọi loại thuốc đều có thể làm xuất hiện các phản ứng dị ứng, tuy nhiên, các loại thuốc chống viêm không steroid, thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật và thuốc điều trị gout là những thuốc có tỷ lệ gây dị ứng cao nhất.

Mọi loại thuốc đều có thể gây phản ứng dị ứng.jpg

Mọi loại thuốc đều có thể gây phản ứng dị ứng

Các triệu chứng của dị ứng là gì?

Các triệu chứng dị ứng thường xuất hiện ở những vùng cơ thể tiếp xúc trực tiếp, bên cạnh đó mức độ dị ứng trung bình đến nặng có thể gây phản ứng toàn thân. Điển hình như:

  • Ngứa: Đây là dấu hiệu đặc trưng của dị ứng, thường ngứa ở các vùng nổi mẩn, mề đay, ngoài ra có thể ngứa trong miệng. 
  • Phát ban, nổi mề đay: Xuất hiện các vết ban đỏ, chấm đỏ trên cơ thể, phát triển nhiều nhất ở vị trí tiếp xúc với yếu tố dị nguyên, ở tay, chân và cổ. Một số trường hợp các nốt mề đay có thể lây lan ra toàn thân.
  • Sưng tấy, phù nề: Xảy ra nhiều  ở mặt, môi, lưỡi, cổ họng… Tình trạng này là sưng mô dưới da do các chất hóa học trong phản ứng dị ứng (histamine, leukotrienes, prostaglandins) làm tăng tính thấm của thành mạch và thoát dịch ở trong lòng mạch.
  • Các triệu chứng trên đường hô hấp như khó thở, thở khò khè, nghẹt mũi do niêm mạc hô hấp bị viêm, sưng.
  • Các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn hay nôn: Khi bị dị ứng, cơ thể kích thích hệ tiêu hóa đào thải thức ăn - yếu tố gây ra dị ứng ra bên ngoài từ đó làm xuất hiện các cơn đau bụng kèm theo buồn nôn và nôn.

Trong một số trường hợp nặng, chẳng hạn dị ứng thuốc, nọc độc của côn trùng … có thể dẫn đến sốc phản vệ. Tình trạng này xảy ra do sự xuất hiện đột ngột của hiện tượng giãn mạch và thành mạch làm tăng thẩm thấu. Khi đó bạn cần chú ý đến những dấu hiệu dưới đây để nhận biết và xử lý kịp thời:

  • Đường hô hấp có cảm giác bị thắt chặt.
  • Cổ họng bị sưng tấy.
  • Mạch đập nhanh.
  • Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, có thể mất ý thức.
  • Huyết áp đột ngột giảm.

Phương pháp chẩn đoán dị ứng

Để đưa ra được những chẩn đoán ban đầu, trước tiên bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng lâm sàng, tiền sử dị ứng của bạn và gia đình, hoàn cảnh cuộc sống hàng ngày của bạn. Sau đó các xét nghiệm khác nhau có thể được thực hiện để xác định xem bạn có bị dị ứng hay không:

  • Thử nghiệm máu: Lấy máu để đo lượng kháng thể. Mẫu máu sau khi lấy sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm y tế để kiểm tra. Thử nghiệm này có thể sẽ tốn nhiều chi phí và thời gian hơn so với một số thử nghiệm khác.
  • Test thử thách thuốc: Đưa các liều thuốc lần lượt từ thấp đến cao vào trong cơ thể. Các loại thuốc sẽ được vào theo đường dùng tự nhiên, cứ 30 phút lại tăng liều một lần. Lưu ý, để thực hiện phương pháp này người bệnh cần ngưng các thuốc kháng histamin H1, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chống trầm cảm,… Test thử thách thuốc giúp loại trừ những trường hợp người bệnh bị dị ứng thuốc chưa rõ ràng và các phản ứng chéo giữa các loại thuốc trong cùng một nhóm. Nhờ đó, người bệnh có thể yên tâm khi sử dụng các loại thuốc mới để điều trị bệnh.
  • Test lẩy da: Đây là xét nghiệm để chẩn đoán dị ứng phổ biến hiện nay. Đầu tiên, các giọt mang chất gây dị ứng sẽ được nhỏ cách đều nhau lên cánh tay của bạn, sau đó chọc vào bề mặt da nơi có chất gây dị ứng để các chất này có thể đi vào trong da. Nếu da xuất hiện các vết giống như muỗi đốt lớn, đỏ và sưng to ở chỗ chọc thì bạn đang bị dị ứng với tác nhân đó. 

Test lẩy da là phương pháp phổ biến để chẩn đoán dị ứng.png

Test lẩy da là phương pháp phổ biến để chẩn đoán dị ứng

Cách xử lý và điều trị dị ứng hiệu quả

Các triệu chứng dị ứng nhẹ trên da có thể tự khỏi sau một thời gian, tuy nhiên nhiều trường hợp dị ứng cần can thiệp của y tế. Dưới đây là một số cách xử lý khi gặp phản ứng dị ứng, bạn có thể tham khảo.

Xử lý bước đầu khi bị dị ứng

Xử lý dị ứng bước đầu rất quan trọng, giúp kiểm soát các triệu chứng không phát triển nặng thêm. Cụ thể sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, làn da của bạn có thể xuất hiện các nốt mẩn đỏ, ngứa. Quan trọng nhất là dùng tiếp xúc với chất nghi ngờ gây dị ứng.

  • Vệ sinh da, loại bỏ tác nhân dị ứng trên da: Khi nguyên nhân gây dị ứng là do các tác nhân từ bên ngoài tấn công, việc làm sạch da sẽ giúp rửa trôi các chất gây dị ứng. Đồng thời làm tăng khả năng đào thải các chất độc từ sâu trong lỗ chân lông ra bên ngoài, giúp da trở nên thông thoáng hơn. Lưu ý bạn chỉ nên làm sạch da với nước lạnh thông thường, không nên dùng xà phòng để tránh làm da bị kích ứng.
  • Chườm mát, làm dịu các phản ứng dị ứng trên da: Đây là phương pháp ngăn các chất gây dị ứng tiếp tục tác động và tiếp tục gây tổn thương làn da của bạn. Giảm nhiệt ở các nốt viêm nhiễm đồng thời giúp những vùng bị tổn thương bớt ngứa hơn. Bạn nên chườm khăn lạnh trong khoảng 30 để có hiệu quả tốt nhất.
  • Khi dị ứng do dùng qua đường ăn uống, như nghi ngờ dị ứng thức ăn hoặc thuốc. Nếu thời gian phát hiện dị ứng sớm, người bệnh có thể dùng cách kích nôn để loại bỏ tác nhân dị ứng qua đường miệng.

Loại bỏ tác nhân dị ứng bằng nước sạch.png

Loại bỏ tác nhân dị ứng bằng nước sạch

Thuốc tây điều trị dị ứng

Thuốc điều trị dị ứng có rất nhiều dạng dùng như: Thuốc viên, thuốc xịt, thuốc nhỏ mắt, kem bôi da và thuốc tiêm... Dưới đây là một số nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị : 

  • Thuốc uống kháng histamin: Đây là loại thuốc được dùng nhiều nhất trong điều trị dị ứng, có tác dụng ngăn chặn hoạt động của histamin. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm ngứa, hắt hơi, sổ mũi và chảy nước mắt. Ví dụ về thuốc kháng histamin đường uống bao gồm loratadine, cetirizine và fexofenadine.
  • Thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi như pseudoephedrine có thể giúp giảm ngạt mũi tạm thời. Chỉ sử dụng thuốc thông mũi trong thời gian ngắn do khi sử dụng trong thời gian dài thực sự có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng (nghẹt mũi tái phát).
  • Thuốc xịt mũi: Thuốc xịt mũi có thể làm dịu các triệu chứng dị ứng như nghẹt mũi, sổ mũi mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng. Các loại thuốc xịt mũi có thể kể đến là azelastine, olopatadine…
  • Dùng thuốc phối hợp: Có thể kết hợp thuốc kháng histamine với thuốc thông mũi để có thể tăng hiệu quả điều trị. Ví dụ dùng kết hợp thuốc loratadine-pseudoephedrine, thuốc fexofenadine-pseudoephedrine.
  • Thuốc bôi chứa corticosteroid: Hoạt chất corticosteroid với công dụng làm giảm các phản ứng dị ứng trực tiếp xuất hiện trên da như ngứa, nổi mẩn đỏ hoặc đóng vảy. Tuy nhiên có thể có các tác dụng phụ như kích ứng, đổi màu da và teo da. Khi sử dụng lâu dài, đặc biệt là đối với các loại corticosteroid kê đơn mạnh sẽ gây mỏng da. Những ví dụ bao gồm betamethason, desonide, triamcinolone… Ngoài ra, trường hợp nghiêm trọng hơn dùng kháng histamin và thuốc bôi không cho hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể kê thuốc corticosteroid dùng đường uống.

Một số loại thuốc tây được dùng trong điều trị dị ứng.png

Một số loại thuốc tây được dùng trong điều trị dị ứng

Mẹo đơn giản trị dị ứng ngay tại nhà

Để giảm các triệu chứng dị ứng, bạn có thể thực hiện những biện pháp đơn giản và hiệu quả ngay tại nhà như: 

  • Tắm bằng nước mát hoặc chườm khăn lạnh: Phương pháp này giúp các mạch máu trong cơ thể co lại, làm cho lượng máu vận chuyển tới khu vực tổn thương bị giảm đi, từ đó có thể làm dịu vùng da bị tổn thương. Biện pháp này đem lại hiệu quả với các trường hợp dị ứng ngoài da do tiếp xúc với phấn hoa, hóa mỹ phẩm, lông động vật …
  • Uống nhiều nước: Bổ sung nhiều nước giúp cơ thể, đặc biệt là gan thanh lọc các độc tố nhanh và hiệu quả hơn, Từ đó giúp cải thiện các triệu chứng dị ứng.

Sử dụng thảo dược điều trị dị ứng 

Thảo dược, thành phần thiên nhiên được sử dụng rất nhiều trong điều trị dị ứng. Do vừa mang lại hiệu quả cao, vừa ít gây các tác dụng không mong muốn cho cơ thể.

  • Sử dụng mật ong điều trị dị ứng 

Thành phần dinh dưỡng dồi dào có trong mật ong như axit amin, vitamin E, B,  và chất chống oxy hóa làm tăng cường sức đề kháng, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, phục hồi làn da, tăng cường hàng rào bảo vệ, dưỡng ẩm cho da, từ đó giúp cải thiện các triệu chứng dị ứng. Người bệnh có thể bổ sung qua đường uống hoặc trộn với một số nguyên liệu khác như sữa chua, chanh,... để đắp lên vùng da bị dị ứng.

  • Dùng yến mạch điều trị dị ứng 

Nhờ vào chứa hàm lượng kẽm dồi dào cùng với nhiều acid ferulic,  avenanthramides, beta-glucan có trong yến mạch nên có thể làm dịu vùng da bị tổn thương cùng các triệu chứng trên da khác. Cách thực hiện được khuyên dùng là trộn với sữa tươi không đường làm thành mặt nạ đắp lên da hoặc pha với nước ấm để tắm hàng ngày.

  • Sử dụng trái nhàu điều trị dị ứng

Trái nhàu đã được sử dụng từ lâu để giúp tăng cường hệ thống miễn dịch nhờ có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, polysaccharide,... Với thành phần chứa các polysaccharide có giá trị trong việc chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Các hợp chất này kích thích hoạt động của các tế bào bạch cầu, có vai trò quan trọng trong việc phát huy tác dụng bảo vệ cơ thể. Ngoài ra, scopoletin có trong nhàu có đặc tính chống vi khuẩn, kháng mô, chống viêm, kháng nấm và kháng histamin, góp phần đáng kể trong việc duy trì cơ chế bảo vệ miễn dịch, chống dị ứng của cơ thể. Nhàu có chứa 17 axit amin, trong đó có serine, methionine và arginine là những thành phần quan trọng và đặc biệt hữu ích trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch, giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

Trái nhàu thường được sử dụng để điều trị tình trạng dị ứng 

Biện pháp phòng ngừa xảy ra dị ứng

Để phòng ngừa xảy ra các phản ứng dị ứng, việc đầu tiên bạn cần làm là tránh tiếp xúc tối đa với các tác nhân và yếu tố nguy cơ gây dị ứng. 

  • Lông vật nuôi: Khi bị dị ứng, tốt nhất bạn không nên tiếp xúc với thú cưng, hay ít nhất hãy để chúng ra khỏi phòng ngủ. Hãy tắm cho thú cưng ít nhất một lần trong tuần để có thể làm giảm số lượng các chất gây dị ứng trên lông của chúng.
  • Chăn, gối, ga trải giường: Bọc gối, nệm trong vỏ chống mạt bụi. Giặt ga trải giường, vỏ gối và chăn ít nhất một lần một tuần bằng nước nóng.
  • Nhiệt độ và độ ẩm: Những ngôi nhà nóng ẩm là nơi sinh sản của mạt bụi và nấm mốc. Duy trì trong nhà nhiệt độ từ 20 đến 22 độ C và giữ độ ẩm tương đối không cao hơn 50%. Làm sạch máy điều hòa không khí trong phòng ít nhất một lần một tháng. Sử dụng máy hút ẩm để giảm độ ẩm và vệ sinh máy mỗi tuần một lần.
  • Lọc không khí: Sử dụng bộ lọc không khí và điều chỉnh để nó hướng không khí sạch về phía đầu của bạn khi bạn ngủ.  Thói quen dọn dẹp hàng tuần: Dùng khăn ẩm để lau các bề mặt trong nhà, bao gồm cả đỉnh cửa ra vào, bệ cửa sổ và khung cửa sổ. Nếu bạn bị dị ứng, hãy đeo khẩu trang chống bụi hoặc nhờ người không bị dị ứng làm công việc này.
  • Phấn hoa: Vào những mùa có số lượng phấn hoa cao, hãy bắt đầu dùng thuốc dị ứng trước khi các triệu chứng của bạn bắt đầu. Đóng cửa ra vào và cửa sổ vào ban đêm hoặc bất kỳ lúc nào khác khi lượng phấn hoa nhiều. Tránh hoạt động ngoài trời vào sáng sớm vì khi đó số lượng phấn hoa đạt cao nhất.
  • Chế độ ăn uống, tập luyện: Dị ứng là tình trạng có liên quan đến hệ miễn dịch, do vậy việc tăng cường sức đề kháng và sức khỏe miễn dịch giúp hạn chế dị ứng hiệu quả. Bạn nên chú ý xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây,... đồng thời vận động, tập luyện thường xuyên.

Bổ sung nhiều rau quả, trái cây cho người bị dị ứng.png

Bổ sung nhiều rau quả, trái cây cho người bị dị ứng 

Trên đây là các thông tin về nguyên nhân, cách điều trị dị ứng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về tình trạng này, hãy để lại thông tin và số điện thoại bên dưới phần bình luận, các chuyên gia của chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp.

Link tham khảo:

https://www.aaaai.org/Tools-for-the-Public/Conditions-Library/Allergies/Allergic-Reactions

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK447112/

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hay-fever/in-depth/seasonal-allergies/art-20048343

https://www.lybrate.com/topic/benefits-of-noni-juice-and-its-side-effects