Đã là vợ chồng thì không thể tránh khỏi những lúc cãi nhau. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những cuộc cãi vã của vợ chồng, từ bất đồng quan điểm đến chuyện nhà cửa, con cái, đối nội đối ngoại.

cãi-lý

Minh họa: NOP
 
Trước đây, khi cãi nhau, người vợ thường “nhượng bộ” chồng, nhưng xã hội ngày càng hiện đại, vợ chồng bình đẳng nên đã không còn chuyện nín - nhường mà ngược lại, nhiều người vợ đã bắt đầu cãi lý với chồng, bên nào cũng khư khư bảo vệ quan điểm hoặc cái tôi của mình. Họ sẵn sàng cãi đến cùng mà không hề nghĩ đến hệ lụy của nó, gây tổn thương cho nhau và làm ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng.

LÝ LẤN TÌNH

Vợ chồng chị Thanh Thư và anh Vũ Tuấn (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM) đều tốt nghiệp chuyên ngành luật. Chị tiếp tục học lên luật sư trong khi anh ôm cặp vào cơ quan nhà nước ngồi gõ văn bản. Sau khi cầm được chứng chỉ hành nghề luật sư trong tay, chị Thanh Thư quyết định thành lập văn phòng và khuyên chồng nghỉ việc về phụ giúp chị. Chị chê đồng lương nhân viên của anh không đủ đổ xăng, về làm chung với chị may ra vợ chồng còn hỗ trợ được nhau. Anh thì cho rằng chị muốn chỉ huy chồng nên cương quyết phản đối. Không chỉ vậy, anh còn nghĩ rằng vợ coi thường nên đòi đi học lấy bằng tiến sĩ. Anh lập luận, chồng phải cao hơn vợ một cái đầu chứ không thể ngang hàng được.

Trong khi anh vùi đầu vào sách vở ôn thi cao học thì chị đầu tắt mặt tối lo kiếm tiền, còn kiêm nhiệm luôn việc chăm sóc con cái nhà cửa. Vì vậy, trong một lần bực tức chuyện anh tỵ nạnh chị tìm trường cho con gái vào lớp một, chị tuôn luôn một hơi: nào là tôi có chồng để làm gì trong khi kiếm tiền cũng tôi, chăm sóc gia đình cũng tôi rồi đến việc học hành của con cái cũng tôi… Anh cũng không vừa khi “phản pháo”, tôi đang ngày đêm cố gắng học hành, cô không động viên còn tỵ nạnh những việc cỏn con. Trước đây, khi cô đi học, tôi cũng đã đảm đang hết mọi việc trong ngoài mà có nói gì đâu. Anh chồng lý luận, mình học lên cao là muốn cho vợ con hãnh diện với bạn bè, vợ không hiểu lại so đo. Chị bẻ, tôi chỉ muốn có một người chồng bình thường ngày đi làm, tối về phụ vợ chăm sóc nhà cửa con cái. Chỉ bấy nhiêu mà chẳng ai chịu ai, vợ chồng hục hặc suốt ngày.

Trước khi cưới nhau, chị Quỳnh Anh (P.15, Q.10) đã ra yêu sách với anh Hoàng Nam về chuyện nhà cửa, bếp núc sẽ là việc chung của cả hai vợ chồng. Để cưới được vợ, anh gật đầu ngay không cần suy nghĩ. Sau khi cưới, sáng anh ôm cặp đi làm thì chị cũng dắt xe ra khỏi nhà; tối mịt anh về chị cũng mới lọ mọ về nhà. Cưới nhau hơn một năm mà anh chưa được ăn một bữa cơm vợ nấu. Cơm hộp và mì gói luôn trực chiến trong nhà, bếp núc lúc nào cũng lạnh tanh.

Vì hai vợ chồng làm chung cơ quan nên giờ giấc, công việc của nhau cả hai rõ như lòng bàn tay. Biết vợ nhiều hôm lên cơ quan chỉ để “cày” game nên anh Hoàng Nam khuyên vợ hôm nào ít việc thì về nhà sớm nấu cơm. Chị đòi anh phải về phụ, anh giải thích việc nội trợ là của phụ nữ, vả lại việc của anh không thể về sớm được. Chị trách anh “lật kèo”, còn vặn là anh kiếm tiền, chị cũng kiếm tiền, tại sao chị phải vào bếp còn anh lại không?

Chỉ vì mỗi người một quan điểm mà vợ chồng chị Như Lan và anh Kim Long (P.Tân Thới Nhất, Q.12) đã phát sinh những trận chiến không hồi kết. Chị muốn dạy con bằng tâm lý nên luôn nhẹ nhàng khuyên nhủ, trong khi anh lại muốn “thương cho roi cho vọt”. Vì thế, mỗi khi con không ngoan là anh quát mắng, đánh đòn. Chị bênh con, trách chồng là ngược đãi trẻ em, vi phạm luật bảo vệ trẻ em. Anh phê phán vợ ngọt ngào chiều chuộng sẽ làm con hư. Ngay cả đến việc định hướng chọn nghề cho con, anh chị cũng không thể thống nhất. Chị muốn con theo nghề giáo viên của chị, vừa ổn định lại không phải đi công tác xa nhà. Anh chê đồng lương thấp, hết dạy trên lớp, về nhà phải soạn giáo án bận bịu cả ngày. Chị ấm ức cho rằng anh không tôn trọng nghề nghiệp của chị. Vậy là lại cãi nhau.

TÌNH CẠN KIỆT 

Kết quả của cuộc "chiến tranh" dạy con đó là anh Long thường xuyên sa đà vào những cuộc nhậu, ngày nào sớm thì 9g đêm anh mới về đến nhà; trễ thì 11, 12g. Chị Lan trách, anh bảo, anh giao hết quyền hành trong nhà cho chị, chị muốn làm sao thì làm, anh có về thì cũng chẳng làm được chuyện gì, nói chẳng ai nghe. Chị quy cho chồng tội vô trách nhiệm với gia đình. Anh quy cho vợ tội thiếu tôn trọng chồng. Chiến tranh nóng chuyển sang lạnh suốt cả năm và cuối cùng họ quyết định ra tòa ly hôn.

Từ ngày anh Vũ Tuấn ôm cục sĩ diện học đòi tiến sĩ, chị Thanh Thư cũng bắt đầu điệp khúc rêu rao chồng. Gặp ai chị cũng kể lể việc chồng không giúp được gì cho vợ, chị còn phải nuôi anh đi học. Trong nhà, từ việc mua đất đến sắm xe đều chỉ một mình chị lo liệu. Không chỉ nói sau lưng chồng, ngay cả khi có anh đi cùng chị cũng hùng hổ khoe khoang. Cho là vợ “sỉ nhục” mình trước bàn dân thiên hạ nên trong một lúc nóng giận không kiềm chế được, anh Tuấn đã bợp tai vợ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Bức xúc vì cứ mãi cơm hàng cháo chợ, anh Hoàng Nam dọa sẽ ly hôn nếu chị Quỳnh Anh vẫn không thay đổi. Anh ngỡ làm vậy vợ sẽ nhượng bộ, đâu ngờ chị cho là anh không tôn trọng gia đình, không tôn trọng vợ nên mới đòi ly hôn. Chị đùng đùng nổi giận dọn về nhà mẹ ruột. Suốt quãng thời gian “ly thân” đó, anh thường xuyên tới lui tìm cách nói chuyện với chị mong hàn gắn nhưng đều thất bại. Lúc nào chị cũng cho mình không có lỗi, còn buông lời thách thức anh.

Trong cuộc sống hiện đại, cả hai vợ chồng đều bình đẳng, không ai lệ thuộc vào ai thì việc cãi đến cùng là điều khó tránh. Nhưng, cãi thế nào để tranh cãi trở thành một thứ “gia vị” cho tình cảm vợ chồng. Cãi nhau để hiểu nhau chứ đừng biến cuộc cãi vã thành trận đụng độ một mất một còn, chỉ vì mỗi người cứ khư khư ôm lấy cái lý riêng của mình. Khi cãi lý tức là hai bên đang ra sức tìm kiếm lỗi của đối phương và chăm chăm khai thác những nhược điểm để khiến đối phương không phản ứng lại được. Cãi lý sẽ làm tổn thương đến tình cảm nên khi cãi nhau, vợ chồng cần xử sự sao cho có tình, nên nói đến cái tình chứ đừng nói đến cái lý, điều này sẽ giúp cuộc tranh cãi hướng được đến ý nghĩa xây dựng, gia đình được êm ấm, hạnh phúc. Việc cố tình phân tích, biện luận trong tranh cãi chỉ làm tình cảm vợ chồng xấu đi, bởi sau mỗi lần cãi nhau, dù đã hòa giải thì dư âm của nó ít nhiều còn đọng lại trong lòng mỗi người. Tốt nhất khi xảy ra tranh cãi, vợ hoặc chồng nên bình tĩnh xem xét lại vấn đề, đợi lúc vợ/chồng cởi mở vui vẻ hãy nhẹ nhàng trao đổi. Còn nếu có thể nhường nhịn được thì cũng nên nhượng bộ “chồng giận thì vợ bớt lời/cơm sôi bớt lửa biết đời nào khê”.

Các nhà tâm lý cũng khuyên, khi vợ chồng cãi nhau, phải cố gắng gạt ra ngoài ý nghĩ chiến thắng, vì nếu bạn thắng thì chồng/vợ sẽ là người thua cuộc. Như vậy sẽ không còn vui vẻ. Hãy thay đổi mục đích cãi cọ, không tranh thắng mà hướng đến việc trao đổi một cách khách quan, vô tư xem nguyên nhân nào dẫn đến xích mích giữa vợ chồng. Cũng không nên giận quá mất khôn, xúc phạm nhau. Khi tranh cãi phải dùng lời lẽ sao cho dễ hiểu, dễ thông cảm, thái độ cũng phải hòa nhã. Cần tỉnh táo nhận ra cái sai của mình và phải biết làm lành, xoa dịu.

Cuối cùng, nếu như sự việc đã vượt quá tầm kiểm soát, cả hai nên dừng lại vì nếu đẩy đến cùng thì kết quả chỉ là làm tổn thương nhau. Khi đó, có thể nhờ đến người thứ ba làm trọng tài hòa giải. Người đó có thể là ba mẹ chồng/vợ hoặc một người họ hàng, bạn bè mà cả hai vợ chồng đều tin cậy.
Trần Linh Giang
Trích Phunuonline.com.vn ngày 22/7/2011